Mặc dù không cần thăm người thân, nhưng ngày tết mà cứ ở trên núi Lạc Phách vắng vẻ cũng không được, cho nên Trần Bình An dẫn theo hai đứa trẻ rời khỏi núi lớn, trở về trấn nhỏ rộn ràng. Nơi đó đã náo nhiệt không kém bất cứ quận thành nào của nước Hoàng Đình, chỉ là không còn giếng Thiết Tỏa treo xích sắt, không còn đường cũ có cây hòe già, không còn trường học của Tề tiên sinh, không khí có thịnh vượng đến mấy, mùi vị năm mới có sung túc đến mấy, vẫn khiến Trần Bình An cảm thấy hơi mất mát. Gần tới ngõ nhỏ, thằng bé áo xanh oán giận nói: - Lão gia, nếu chuyến này đến ngõ Nê Bình, trên đường còn gặp phải những kẻ hung ác, chính là loại người có thể đấm một phát chết tôi, không phải tôi hù dọa, sau này tôi sẽ không xuống núi về nhà cũ nữa. Đến lúc đó không thể trách tôi không nói nghĩa khí. Kết quả vừa đến đầu ngõ Nê Bình, Trần Bình An đã nhìn thấy một bóng người quen thuộc, mảnh khảnh thướt tha, giống như một nhành liễu non trong gió xuân. Hai tay cô xách một thùng nước, chắc là vừa từ giếng nước ở ngõ Hạnh Hoa trở về, có vẻ hơi khó nhọc. Thế là cô dứt khoát bỏ thùng nước xuống, khom lưng thở dốc. Thùng nước rơi mạnh xuống đất, không ít nước bắn ra, nhưng thiếu nữ hoàn toàn không để ý chuyện này. Thiếu nữ này chính là Trĩ Khuê, hoặc có thể gọi là Vương Chu. Trần Bình An không trách cô trở thành tỳ nữ của Tống Tập Tân, bởi vì trong sách có nói, chim khôn nên chọn cành mà đậu. Trong đêm gió tuyết ngày đó, thiếu nữ thoi thóp ngã xuống tuyết đọng, dùng một chút sức lực cuối cùng đưa tay gõ nhẹ vào cánh cửa. Có cứu người hay không là chuyện của Trần Bình An chuyện, còn người khác có tri ân báo đáp hay không là chuyện của họ. Có điều lần này gặp lại còn nhanh hơn tưởng tượng rất nhiều, khiến tâm tình của Trần Bình An phức tạp. Trĩ Khuê cũng đã nhìn thấy Trần Bình An, cô vừa dùng mu bàn tay lau mồ hôi trán vừa quan sát hắn. Giày cỏ vẫn là giày cỏ, chỉ là trên búi tóc đã cài trâm. Vóc dáng dường như cũng cao hơn một chút, hơn nữa không còn một mình trơ trọi đi tới đi lui, bên cạnh đã có thêm hai đứa con nuôi. Trần Bình An đang định chào hỏi, bỗng phát hiện thằng bé áo xanh ra sức nắm cánh tay của hắn, không để hắn tiếp tục đi tới. Không chỉ có thằng bé áo xanh, cô bé váy hồng cũng nấp ở phía sau Trần Bình An, nắm chặt tay áo của hắn. Hai đứa trẻ đều răng run lập cập, không dám thở mạnh, giống như phàm phu tục tử nhát gan bình sinh sợ quỷ nhất, sau đó quả thật gặp quỷ giữa ban ngày. Trong lòng thằng bé áo xanh hối hận, chỉ muốn tát cho mình một cái, đúng là miệng quạ mà. Cô bé váy hồng ở sau lưng Trần Bình An nhỏ giọng nức nở: - Lão gia, tôi sợ, còn hơn cả sợ chết. Trần Bình An thở dài: - Vậy các ngươi đến chỗ khác dạo chơi đi. Chẳng hạn như cửa tiệm của chúng ta ở ngõ Kỵ Long, các ngươi giúp trông nom buôn bán một chút. Lát nữa ta sẽ tìm các ngươi. Hai đứa trẻ giống như được đại xá, chạy như bay rời khỏi. Trần Bình An một mình đi về hướng ngõ Nê Bình, đã qua nhiều năm dường như quang cảnh vẫn không thay đổi. Hắn giúp Trĩ Khuê xách thùng nước, cùng đi vào ngõ. Trĩ Khuê hỏi: - Hai đứa kia là thư đồng và nha hoàn mà ngươi mới nhận sao? Trần Bình An cười nói: - Cô xem ta có giống người làm lão gia không? Bọn chúng chỉ gọi chơi thôi. Trĩ Khuê à một tiếng. Lúc đi qua nhà tổ của Tào gia, cửa viện đang mở. Tào Hi ngồi ở cửa cắn hạt dưa, Tào Tuấn thì ngồi trên đầu tường, cũng cắn hạt dưa. Rất dễ thấy hai người đang cùng nhau xem náo nhiệt. Tào Hi cười ha hả nói: - Bà cô nhỏ, vị này là tiểu tình lang của ngươi à? Sáng sớm đã tình chàng ý thiếp, khiến ta và Tào Tuấn rất hâm mộ. Tào Tuấn thích híp mắt nhìn người khác, vẫn giữ nguyên nụ cười, bên hông đeo cặp kiếm dài ngắn kia, gật đầu nói: - Hâm mộ, hâm mộ. Trĩ Khuê hừ lạnh nói: - Thượng bất chính, hạ tắc loạn! Chẳng trách nhà tổ cũng bị sụp. Tào Hi đường đường là lục địa kiếm tiên của Nam Bà Sa Châu, nửa chủ nhân của một tòa lầu Trấn Hải, nghe vậy lại không hề tức giận, còn tươi cười hơn: - Bà cô nhỏ giáo huấn rất đúng. Cũng không biết vì sao nhiều năm như vậy, Tào gia chúng ta lại không có một người nhỏ hương khói nào. Theo lý mà nói ta ở Nam Bà Sa Châu phất lên như diều gặp gió, bên này dù thế nào cũng được vẻ vang cửa nhà. Sao gia cảnh lại sa sút đến mức như vậy? Trĩ Khuê không dừng lại, quay đầu nhìn Tào Hi, nở nụ cười ngây thơ: - Trời gây nghiệt còn có thể tha, tự gây nghiệt thì không thể sống, chẳng lẽ còn có kẻ ăn mất người nhỏ hương khói của nhà các ngươi sao? Hơn nữa trấn nhỏ cấm tiệt pháp thuật, muốn dựa vào phúc đức tổ tiên của gia tộc nuôi dưỡng ra một người nhỏ hương khói còn khó hơn lên trời. Biết đâu từ trước đến giờ Tào gia các ngươi chưa từng có một người nhỏ hương khói nào, đúng không? Tào Hi cười ha hả: - Có đạo lý, có đạo lý. Bà cô nhỏ đi từ từ nhé, con ngõ tồi tàn, coi chừng vấp té. Trĩ Khuê quay lưng về phía lão rùa già kia, sắc mặt âm trầm. Từ đầu đến cuối Trần Bình An vẫn không nói gì. Tào Tuấn cười hỏi: - Lão Tào, có chuyện gì vậy? Tại Nam Bà Sa Châu, với thành tựu của ông, số lượng người nhỏ hương khói chắc có thể tụ tập trên tấm biển trước cửa nhà chơi đánh trận rồi. Tào Hi không để bụng nói: - Cô ta nói không sai, động tiên Ly Châu rất khó xuất hiện người nhỏ hương khói. Nhưng với thành tựu của ta và Tạ Thực, lẽ ra phải có một hai người mới đúng. Chẳng hạn như Tạ gia ở ngõ Đào Diệp, chính là dựa vào một đôi người nhỏ hương khói duy trì nếp nhà mấy trăm năm, miễn cưỡng giữ gìn hương hỏa con cháu. Nếu không đã sớm giống như ngôi nhà nát này của chúng ta, người đều chết hết rồi. Tào Tuấn tấm tắc nói: - Bị thiếu nữ kia lấy mất rồi? Vậy mà ông còn ôn hòa như vậy, không phải là muốn ngủ với cô ta đấy chứ? Một con hồ ly đỏ rực từ nóc nhà nhảy lên đầu Tào Tuấn, cười đùa nói: - Ngủ với cô ta? Lão Tào nào có lá gan này. Hôm nay thiếu nữ kia là nhân vật mà muôn người nhìn chăm chú, lão Tào có cao hơn một cảnh giới cũng không dám động tay động chân với cô ta. Nhiều nhất là mồm mép ba hoa, chỉ có mã ngoài, nhìn được nhưng không dùng được. Tào Hi quay đầu sang, cười nói: - Cút xa một chút, đầy mùi hôi thối, làm cản trở ta hít mùi vị cố hương. Hồ ly đứng trên đầu Tào Tuấn vươn một chân ra, chỉ xuống dưới chân mình, còn không quên dậm chân một cái: - Tới đây, có bản lĩnh thì dùng thanh kiếm bản mệnh trên cổ tay chém ta xem. Tào Hi, ngươi không chém thì chính là cháu trai của ta. Ngươi cứ chém thử xem, nếu ta tránh né một chút thì sẽ là chái gái của ngươi! Tào Tuấn lắc mạnh đầu, không hất được con hồ ly kia đi, bất đắc dĩ nói: - Hai người các ngươi giận dỗi thì giận dỗi, có thể đừng liên lụy đến ta không? Nói một câu công đạo, lão Tào chẳng qua là cưới vợ nhỏ thứ ba mươi tám mà thôi. Nếu không nhịn được oán khí, cứ dứt khoát lột da cô ta làm quần áo của ngươi. Loại chuyện này ngươi đã làm không ít, quen cửa quen đường, vì sao cứ thích giận cá chém thớt với ta? Hồ ly đỏ rực cười nhạo nói: - Lão rùa già chỉ thích mông to tròn, nhiều năm như vậy cũng không tiến bộ chút nào, đúng là khiến người ta buồn nôn. Tào Hi lại ngồi xuống ngưỡng cửa cắn hạt dưa: - Ngàn vàng khó mua ta mới thích. À đúng rồi, con mụ thối, năm mới mời ngươi ăn hạt dưa. Một tiếng “bùng” vang lên, hồ ly đỏ rực trên đầu Tào Tuấn vỡ tung, sau đó hiện ra nguyên hình trên nóc nhà, nhưng trong nháy mắt lại nổ tung lần nữa. Lặp lại nhiều lần như vậy, từ nóc nhà cũ Tào gia kéo dài sang nhà bên cạnh, cho đến khi rời khỏi ngõ Nê Bình mới thôi. Đôi mắt của hồ ly ảm đạm, nghiến răng nghiến lợi khoanh chân ngồi trên mái cong, bắt đầu hít thở. Tào Hi đã không còn hạt dưa, phủi tay đứng dậy đi vào nhà, đồng thời dặn dò Tào Tuấn: - Sắp tới đừng nóng nảy hấp tấp nữa. Hôm nay vương triều Đại Ly đã là một vùng tranh chấp, không đơn giản như ngươi nghĩ đâu. Tào Tuấn uể oải nói: - Biết rồi. - Biết rồi? Tào Hi nghiền ngẫm một phen, cuối cùng cười nhạt nói: - Ngươi có tư cách nói ra hai chữ này sao. Tào Tuấn bỡn cợt nói: - Hiểu rồi. Tào Hi sải bước vào nhà, tức giận nói: - Phế vật cảnh giới thứ chín! Vẻ mặt Tào Tuấn vẫn như thường. --------- Trần Bình An đi đến trước cổng nhà hàng xóm, trả lại thùng nước cho Trĩ Khuê, thuận miệng hỏi: - Tống Tập Tân không về sao? Trĩ Khuê hỏi một đằng trả lời một nẻo: - Lồng gà mẹ và gà con của nhà ta dâu rồi? Vẻ mặt Trần Bình An ngỡ ngàng nói: - Ta không biết. Trĩ Khuê cẩn thận quan sát hắn, đột nhiên cười một tiếng, không truy xét ngọn nguồn nữa. Nhưng cô lại vươn hai ngón tay ra hiệu một chút: - Hiện giờ Tống Mục đã cao hơn ngươi chừng này rồi. Trần Bình An à một tiếng, xoay người trở về nhà mình. Vừa mở khóa ra, thình lình phát hiện chữ “Phúc” trên cửa nhà mình đã không cánh mà bay. Hắn giận tím mặt, không nói gì khác đi thẳng tới bên tường viện: - Trĩ Khuê, chữ “Phúc” nhà ta đâu rồi? Sau đó lại giận đến cười lên, hóa ra chữ “Phúc” kia đang dán trên cửa nhà hàng xóm. Tên trộm này đúng là gan lớn bằng trời. Trĩ Khuê bỏ thùng nước vào nhà bếp, khoan thai đi ra, vẻ mặt vô tội nói: - Ta không biết. Giống hệt như câu trả lời trước đó của Trần Bình An. Trần Bình An tức giận nói: - Trả cho ta! Trĩ Khuê mở to mắt: - Vậy người gỗ mà ta cố ý để lại nhà bếp, ngươi rõ ràng đã động vào, ta cũng không nói gì cả. Trần Bình An lập tức im lặng, quả thật có phần đuối lý. Trĩ Khuê đột nhiên hỏi: - Chỗ trường học của Tề Tĩnh... Tề tiên sinh, ngươi đã dán câu đối xuân rồi sao? Trần Bình An ngẩn người, gật đầu nói: - Dán rồi, câu đối xuân và chữ “Phúc” đều không rơi xuống. Hắn không muốn tiếp tục dây dưa với cô, đi vào trong nhà lấy ra một chữ “Phúc” còn dư, tự mình bắc thang dán lên. Trĩ Khuê đứng bên cạnh tường viện nhắc nhở: - Lệch rồi. Trần Bình An không hề dao động, dùng ngón tay nhẹ nhàng ấn giấy đỏ và hồ dán. Trĩ Khuê lo lắng nói: - Thật đấy, lừa ngươi làm gì. Trần Bình An ngươi sao không biết tốt xấu, nếu chữ “Phúc” dán lệch thì sẽ không may mắn đâu. Trần Bình An xuống thang, tự mình ngẩng đầu nhìn, không hề thấy lệch. Trĩ Khuê vẫn lải nhải: - Đúng là lệch mà, không tin ngươi tìm những người tu hành như Tào Hi đến xem thử, sẽ biết ta không lừa ngươi. Ngươi là người trần mắt thịt, thị lực có tốt cũng không bằng chúng ta. Trần Bình An đi vào nhà, đóng sầm cửa lại. Khoảng một nén nhang sau, hắn lại rón rén mở cửa, lặng lẽ bước qua ngưỡng cửa, mở to hai mắt nhìn chằm chằm vào chữ “Phúc” kia. Không lệch chút nào. Trĩ Khuê xuất quỷ nhập thần mở cửa ra, ló đầu nghiêm túc nói: - Thật sự lệch rồi. Trần Bình An cảm thấy ấm ức, xách ghế đẩu ngồi ở cửa phơi nắng, qua một hồi lại bắt đầu luyện tập nặn phôi. Trĩ Khuê đứng bên cạnh tường viện, nhìn thiếu niên không còn là thợ gốm một lát, cảm thấy hơi nhàm chán, bèn trở về phòng mình ngủ. Cô nằm trên giường, nuốt một ngụm nước bọt. Trong nhà tổ của Tào gia chỉ sinh ra một người nhỏ hương khói, phẩm chất rất cao, ánh vàng rực rỡ, thiếu chút nữa là cả người đều màu vàng, chỉ tiếc còn không đủ cho cô nhét kẽ răng. Trần Bình An thành thạo luyện tập nặn phôi, tâm tĩnh như nước. Lúc nghỉ ngơi, hắn bắt đầu suy nghĩ cho tương lai của mình. Núi Bảo Lục, đỉnh Thải Vân và núi Tiên Thảo đều nằm gần ngọn núi của nhà Nguyễn Cung, dựa theo ước định vốn sẽ cho Nguyễn Cung thuê không lấy tiền, một dãy kéo dài, xem như giúp Nguyễn Cung chiếm cứ một khu vực rộng lớn phía tây. Đổi lại Nguyễn Cung sẽ giúp Trần Bình An trông coi năm ngọn núi, tránh cho hắn có tiền nhưng không có mạng để tiêu. Vì chuyện này nên Trần Bình An rất biết ơn Nguyễn Cung. Núi Chân Châu thì không cần bàn, địa phương nhỏ như vậy thuộc dạng không bột đố gột nên hồ. Đừng nói là tạo ra động tiên đất lành, nhiều nhất chỉ dựng được một ngôi nhà lá trên đó. Đoán chừng cũng chỉ có Trần Bình An là chịu bỏ ra một đồng tiền kim tinh mua nó. Nhưng kinh doanh ở núi Lạc Phách thì đúng là cần dụng tâm. Trần Bình An biết rõ lầu trúc không tầm thường. Núi Lạc Phách lại có miếu sơn thần giúp trấn giữ núi sông, là nơi có phong thủy tốt thật sự. Hơn nữa còn có một con rắn đen lập chí qua sông hóa giao, có tác dụng như hộ vệ giữ nhà. Hôm nay lại có thêm hai đứa nhóc hậu duệ giao long. Cho nên Trần Bình An mới muốn dùng đá mật rắn bình thường đổi bạc của thằng bé áo xanh. Không nói đến biến núi Lạc Phách thành một chậu châu báu, nhưng tốt xấu gì sau này cũng phải có một chút thu nhập. Hắn thích tiền là vì từ nhỏ đã biết kiếm tiền không dễ dàng, nhưng không đại biểu sau khi có tiền rồi sẽ ôm khư khư túi tiền. Kiếm thì phải luyện, nhưng trước khi xác định nên luyện như thế nào, có nôn nóng thì cũng vô ích. Hám Sơn quyền đương nhiên phải tiếp tục chuyên cần khổ luyện, dù sao còn xa mới đủ một triệu quyền như đã nói trước đó. Chuyện vẽ bùa giống như tu hành võ đạo theo một phương thức khác. Cái trước coi trọng rèn luyện thân thể, cái sau lại nghiêng về rèn luyện kinh huyệt. Hai bên không hề xung đột, ngược lại còn bổ trợ cho nhau, chẳng qua là chia một phần thời gian đi thế đứng thế cho vẽ bùa. Nhưng vẽ bùa cần giấy bùa, giấy bùa chính là vàng thật bạc trắng, chuyện này khiến Trần Bình An hơi chột dạ. Nói cho cùng vẫn là kiếm được ít tiền hơn. Ngoại trừ những chuyện này, tiếc nuối lớn nhất của Trần Bình An là tạm thời không thể điều khiển vật một tấc do kiếm linh tặng cho. Tuy phần lớn của cải để ở tiệm rèn cũng an toàn, nhưng dù sao vẫn hơi bất tiện. Vật một thước và vật một tấc của Thôi Đông Sơn và thằng bé áo xanh, khiến Trần Bình An thấy được sự quý giá thực dụng của loại bảo bối này, chẳng trách thần tiên trên núi cũng không phải ai cũng có. Trần Bình An nhìn về phía nam, không biết Nguyễn sư phụ kiếm đúc thế nào rồi. Nguyễn sư phụ đã đáp ứng với Ninh cô nương, sẽ giúp nàng chế tạo một thanh thần binh lợi khí. Nếu một ngày nào đó đúc thành công, nàng sẽ có một thanh bội kiếm xứng tay, còn hắn thì có một thanh kiếm gỗ hòe. Hắn cảm thấy đặt tên cho chúng là “Hàng Yêu” và “Trừ Ma” cũng không tệ. Cộng thêm phôi kiếm kia, tuy Văn Thánh lão gia gọi nó là “Tiểu Phong Đô”, nhưng Trần Bình An cảm thấy nên đổi tên thành “Mùng Một” hoặc “Buổi Sáng” thì tốt hơn. Dù sao buổi sáng mùng một tháng giêng là lần đầu tiên nó dùng hình dạng phi kiếm đi đến thế giới này. Khi trong đầu Trần Bình An nảy sinh ý niệm như vậy, phôi kiếm vốn đã yên lặng rất lâu trong khí hải lại bắt đầu làm mưa làm gió. Trong nháy mắt sắc mặt của hắn đỏ bừng, bắt đầu chịu khổ. Hắn hít sâu một hơi, không kịp đi vào trong nhà, đành phải dùng thủ ấn đứng thế đối phó với phôi kiếm trả thù, khổ không thể tả. --------- Dạo này quốc sư Đại Ly Thôi Sàm vẫn luôn trú ngụ trong trạm dịch gần trấn nhỏ nhất, không tuyên dương khắp nơi, cũng không cố gắng che giấu hành tung. Hôm nay Thôi Sàm rời khỏi trạm dịch, không để Hứa Nhược đi theo, một mình đi xa. Mỗi bước của lão lại là ba bốn dặm đường, cuối cùng đứng giữa một con đường hẹp quanh co, ngăn cản một ông lão quần áo lam lũ. Ông lão chân trần cực kỳ nhếch nhác, ngơ ngác nhìn quốc sư Đại Ly áo nho, ánh mắt đục ngầu vẫn không tỉnh táo, chỉ dựa vào chút ý thức còn lại hỏi một vấn đề kỳ quái: - Ngươi không phải cháu của ta. Cháu của ta đâu? Ánh mắt Thôi Sàm phức tạp, muốn nói lại thôi. Cả người ông lão đầy bùn đất và cỏ vụn, tiếp tục hỏi: - Cháu của ta đâu? Ta không muốn gặp ngươi, ta muốn gặp cháu của ta. Hai tay Thôi Sàm đặt sau người, mười ngón tay đan xen khẽ run rẩy. Ông lão chân trần thần trí không rõ ràng, đột nhiên giận dữ kêu lên: - Cháu của ta ở đâu? Ngươi giấu nó đi đâu rồi? Mau trả Sàm Sàm cho ta! Nói đến đây, khí thế của ông ta đột nhiên rơi xuống tận đáy, lẩm bẩm nói : - Ta muốn đổi tên cho cháu trai, đổi một cái tên tốt hơn... Vẻ mặt Thôi Sàm đau khổ, tự giễu nói: - Giống như đã cách một đời. Không phải giống như, rõ ràng là vậy. Ông lão áo quần rách rưới đưa tay đẩy Thôi Sàm ra, đi thẳng tới trước: - Ngươi tránh ra, đừng cản trở ta tìm Sàm Sàm. Ta muốn tìm thầy giáo của nó, hỏi ông ấy xem cái tên mà ta mới đặt có tốt không. Thôi Sàm đứng yên tại chỗ, cũng không ngăn cản. Lão nhìn về phía xa, trông thấy có một nhà sư trung niên nét mặt cương nghị chậm rãi đi đến. Nhà sư khổ hạnh dùng hai chân đo trời đất, là một vị hành giả Phật môn.