Chung quanh trấn Hồng Chúc có tường cao, trên tường có binh sĩ mặc giáp cầm vũ khí canh giữ. Nhóm người Trần Bình An từ cổng bắc đi vào trấn nhỏ, kết quả lại xảy ra chuyện bất ngờ, bọn họ cần phải trình giấy thông hành mới được phép đi qua. Chuyện này khiến Trần Bình An ngẩn ra tại chỗ, hắn còn không biết giấy thông hành là thứ gì. A Lương đã sớm lấy được một nén vàng, cười mỉm từ trong người lấy ra một tờ công văn dúm dó. Sau khi thông qua kiểm tra, ông ta cũng không cần con lừa, một mình nghênh ngang đi vào thành, đến bên kia cổng tường còn không quên đưa mắt nhìn mọi người vẫy tay từ biệt. Lý Hòe thấy vậy liền mắng như tát nước, tuyên bố muốn làm thịt con lừa trắng. A Lương chỉ cười lớn bỏ đi. Chu Hà cũng bó tay không có cách nào, trước khi rời khỏi trấn nhỏ lão tổ tông cũng không dặn dò chuyện này. Thực ra ngoại trừ tuổi tác, hiểu biết của Chu Hà về thế giới bên ngoài không hơn Trần Bình An bao nhiêu, còn như trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương thì càng kém xa thiếu niên bần hàn xuất thân thợ gốm. Đầu óc ông ta chợt sáng lên, thầm nghĩ có tiền thì có thể sai khiến quỷ thần, đạo lý này chắc là đúng mọi lúc mọi nơi, bèn lén lút muốn nhét bạc cho một tên binh sĩ canh giữ. Không ngờ tên binh sĩ kia lại chĩa thẳng mũi nhọn vào ngực ông ta, nghiêm nghị khiển trách. Chu Hà tuy tính tình tốt cũng cảm thấy tức giận, võ phu cảnh giới thứ năm nếu đầu quân nhập ngũ, nói không chừng có thể làm võ tướng trung tầng quản lý mấy ngàn binh sĩ tinh nhuệ. Nhưng khi ông ta muốn lý luận với tên kia, Chu Lộc lại khẽ kéo cánh tay, nhẹ giọng nhắc nhở: - Cha, quân pháp Đại Ly chúng ta thưởng phạt phân minh, hơn nữa có một đặc điểm là cực nhẹ hoặc cực nặng. Vì vậy không nên xảy ra xung đột với đám binh lính này, thường dân chúng ta sẽ không có lợi. Chu Hà nhíu mày, hừ lạnh một tiếng, cuối cùng vẫn lựa chọn dân không đấu với quan. Chu Lộc nhỏ giọng an ủi: - Cha, sau này bảo lão tổ tông giúp cha tìm một thân phận quan gia, có bùa hộ mệnh này cộng thêm thân thủ của cha, tin rằng rất nhanh sẽ có thể bộc lộ tài năng, nào còn chịu uất ức như vậy. Chu Hà gật đầu bước nhanh rời khỏi, quay đầu liếc nhìn binh sĩ giữ cổng kia, cười nhạo nói: - Thật là đúng như câu châm ngôn, Diêm Vương dễ gặp, tiểu quỷ khó dây. Mọi người đều bất giác nhìn về Trần Bình An. Trần Bình An ngẫm nghĩ, chậm rãi nói: - Thật sự không có cách nào, chỉ có thể đi vòng qua trấn Hồng Chúc thôi. Tối nay ngủ ở bên ngoài, chúng ta có thể thuê người giúp mua tất cả vật phẩm cần thiết. Phiền phức thật sự là chúng ta không thể đi đến bến thuyền trong trấn nhỏ, hành trình đã định sẽ phải thay đổi. Lẽ ra đi thuyền dọc theo sông Tú Hoa hơn hai trăm dặm đường thủy về phía nam, sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với chúng ta đi bộ, còn không cần đi đường vòng. Ngay lúc này, một người đàn ông trung niên mặc quan phục màu xanh bước nhanh ra khỏi cổng thành, cẩn thận quan sát nhóm người Trần Bình An, cuối cùng nhìn về Chu Hà, chắp tay hỏi: - Tại hạ Trình Thăng, hiện là dịch thừa (quan trông coi trạm dịch) của trạm Chẩm Đầu thuộc trấn Hồng Chúc. Xin hỏi có phải là Chu Hà Chu tiên sinh đến từ huyện Long Tuyền? Chu Hà im lặng không trả lời, vẻ mặt đề phòng. Người đàn ông tự xưng là dịch thừa cười cởi mở nói: - Gia chủ các người đã từng gởi một phong thư đến tận tay huyện lệnh đại nhân của chúng ta, nói sơ lược về hành trình của các người, bảo huyện lệnh đại nhân của chúng ta làm tròn trách nhiệm chủ nhân. Ngoại trừ chuyện này, mỗi người các vị đều có thư nhà, đã được gởi đến trạm Chẩm Đầu chúng ta. Mười ngày trước ta đã chuẩn bị phòng ốc cho các vị, không dám nói tốt đến đâu, chỉ có thể xem là sạch sẽ. Mong các vị khách quý thông cảm, đừng tố cáo với huyện lệnh đại nhân, nếu không huyện lệnh đại nhân mất hứng, e rằng ngày mai ta sẽ phải mất chén cơm. Vị dịch thừa trạm Chẩm Đầu này đột nhiên nhớ tới một chuyện: - Nếu Chu tiên sinh không tin, ta có thể lập tức đi đến nhà khách gọi một người tới đây. Người này đến từ đường Phúc Lộc huyện Long Tuyền, tự xưng là nha dịch cũ của dinh quan giám sát. Trong đó có một phong thư đến từ kinh thành Đại Ly, do hắn tự mình giúp cấp trên trong dinh quan mang đến, nói là muốn tự tay giao cho một vị công tử tên là Lâm Thủ Nhất. Lâm Thủ Nhất tiến lên trước mấy bước, đầy vẻ tự phụ kiêu ngạo của con cháu thế gia, hỏi: - Ta là Lâm Thủ Nhất của huyện Long Tuyền, xin hỏi Trình dịch thừa, người nọ tên là gì? Tỳ nữ Chu Lộc hơi sững sốt, bởi vì Lâm Thủ Nhất lúc này hoàn toàn khác với thiếu niên lạnh lùng trầm mặc ít nói trong ấn tượng. Lý Bảo Bình và Lý Hòe nhìn nhau một cái, đều khẽ gật đầu. Dịch thừa Trình Thăng ăn nói lưu loát: - Nếu ta không nhớ sai, hắn tên là Đường Thụ Đầu, chừng bốn mươi tuổi, nói tiếng phổ thông Đại Ly chúng ta không trôi chảy lắm. Ừm, người này rất thích uống rượu, sau khi uống... Lâm Thủ Nhất gật đầu, thuận miệng hỏi: - Những ngày qua dịch thừa vẫn luôn ở cổng bắc chờ chúng ta sao? Người đàn ông kia cười nói: - Mặc dù rất muốn gật đầu, nhưng quả thật không có mặt mũi này. Thứ nhất là trạm Chẩm Đầu nằm ở phía bắc trấn Hồng Chúc cách đây không xa, thứ hai là trên ngọn núi gần trấn nhỏ có xây tháp lửa báo hiệu. Ta và trưởng tháp quan hệ không tệ, mới bảo hắn giúp quan sát đường chuyển thư từ phía bắc xuống núi, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của Lâm công tử và Chu tiên sinh, lập tức bảo thuộc hạ vào thành thông báo cho ta. Lâm Thủ Nhất hiểu ra, không nói gì thêm. Hắn quay lại nhìn về Trần Bình An, thấy đối phương gật đầu. Chu Hà cười cảm tạ: - Đã làm phiền Trình đại nhân rồi. Dịch thừa kia vội vàng khoát tay: - Không dám nhận tiếng đại nhân, chỉ là một tiểu nhân cả ngày đi theo phục vụ quý nhân mà thôi, thật sự khó mà trèo cao. Trước tiên không nói chuyện phiếm, ta đi thông báo cho binh sĩ canh giữ một tiếng, tin rằng rất nhanh sẽ có thể vào trấn nhỏ chúng ta. Dịch thừa chịu sự quản lý của triều đình Đại Ly, nhưng không thể gọi là mệnh quan triều đình, chức vị này không thuộc về quan viên có phẩm cấp. Vị dịch thừa này dẫn bọn họ đi về hướng cổng thành, binh sĩ thủ thành mặc dù cho qua nhưng sắc mặt vẫn rất khó coi. Trình Thăng dẫn đầu đi qua cổng thành mát mẻ, quay đầu thấp giọng giải thích với Chu Hà: - Đều là binh sĩ cũ từ chiến trường biên cảnh lui về, bản lĩnh không lớn nhưng tính khí lại rất ương ngạnh. Có lúc ngay cả huyện lệnh đại nhân của chúng ta cũng phải bó tay với bọn họ, Chu tiên sinh không nên chấp nhặt. Chu Hà mặc dù không có kinh nghiệm giang hồ, nhưng vẫn hiểu đạo lý “nói chuyện thân thiết với người quen sơ”, cho nên không trả lời. Bọn họ đi qua một cửa tiệm lạnh lẽo, không ngừng có đàn ông trai tráng ra vào, trong tiệm thỉnh thoảng lóe lên một vệt sáng trắng. Lý Hòe nhìn đến không muốn rời đi. Chu Hà cũng không nhịn được nhìn thêm vài lần, rất nhanh mất đi hứng thú. Dịch thừa nói: - Đó là một tiệm đao kiếm, thỉnh thoảng cũng có chào hàng binh khí khác. Lâm Thủ Nhất tò mò hỏi: - Quan phủ mặc kệ sao? Không sợ dân chúng quê mùa cầm vũ khí đánh nhau à? Dịch thừa cười nói: - Quan phủ không để ý những chuyện này lắm, nhưng chỉ cần xảy ra chuyện thì sẽ quản rất nghiêm. Nếu nhân thủ của huyện nha không đủ, huyện lệnh đại nhân có thể điều động tất cả môn phái giang hồ trong địa bàn giúp giải quyết tranh chấp. Đại Ly thượng võ thành phong trào, rất nhiều hiệp khách cầm kiếm đeo đao du lịch bốn phương. Trong đó có vô lại quê mùa nói như rồng leo, làm như mèo mửa, cũng có con cháu thế gia khí phách hào hiệp. Mặc dù triều đình Đại Ly cấm bán binh khí, nhưng đối với đao kiếm được đúc bình thường, phần lớn đều mắt nhắm mắt mở. Chủ yếu phải xem thái độ của quan địa phương, nếu xuất thân là người đọc sách thuần túy, quá nửa sẽ nghiêm lệnh ngăn chặn; còn nếu xuất thân là võ nhân sa trường, tám chín phần mười sẽ mở một mặt lưới. Đương nhiên những vũ khí quan trọng của quốc gia như cung mạnh nỏ cứng, giáp trụ tinh xảo, chắc chắn bất kỳ nơi nào cũng sẽ không cho buôn bán. Tháp lửa, trạm dịch, chợ búa, tiệm rượu, lầu xanh... trấn Hồng Chúc có đủ tất cả, vô cùng náo nhiệt. Trên đường lớn người qua lại như mắc cửi, phồn hoa ồn ào hơn nhiều so với trấn nhỏ quê hương của đám Trần Bình An, các cửa tiệm hai bên đường nhìn hoa cả mắt, tiếng la hét liên tục vang lên. Một đường trò chuyện, sau một nén nhang bọn họ đã đi đến trạm Chẩm Đầu, rất nhanh có tạp dịch dắt lừa trắng và ngựa đi. Dịch thừa Trình Thăng quả nhiên đã chuẩn bị phòng nghỉ cho bọn họ, có đủ cấp một cấp hai. Hắn không tự tiện chủ trương mà giao năm căn phòng nghỉ cho Chu Hà, để bọn họ tự an bài. Dưới sự sắp xếp của Trần Bình An, Lý Bảo Bình và Chu Lộc ở một căn phòng cấp một, Chu Hà ở một căn phòng cấp một khác, còn hắn và Lý Hòe, Lâm Thủ Nhất mỗi người ở một căn phòng cấp hai. Nếu như A Lương trở lại, có thể tùy tiện chọn một căn phòng phù hợp. Đương nhiên với tính tình của A Lương, nhất định sẽ hỏi xem có thể chọn căn của Chu Lộc hay không, đoán rằng đến lúc đó không thể thiếu ánh mắt xem thường của Chu Lộc. Trong chiều hôm, mọi người cất hành lý xong, tụ tập trong căn phòng cấp một rộng rãi của Chu Hà. Dịch thừa Trình Thăng nhanh chóng đưa đến một xấp thư nhà, sau đó mỉm cười cáo từ, nói rằng nếu có chuyện cứ hô một tiếng là được. Hắn còn nói chợ đêm của trấn Hồng Chúc khá nổi tiếng ở phía nam Đại Ly, có cơ hội nhất định nên đi xem thử. Chồng thư này có một phong viết cho Lâm Thủ Nhất, Lý Bảo Bình nhiều nhất có ba phong, ngay cả Trần Bình An cũng có một phong. Lý Hòe hai tay trống trơn, cuối cùng tìm được Chu Lộc cũng trong tình trạng tương tự, bèn cười nói: - May mà hai ta đồng bệnh tương lân. Chu Lộc ngoảnh mặt làm ngơ, đi đến gần cửa sổ, một mình nhìn về nơi xa. Trạm Chẩm Đầu nho nhỏ quanh co thăm thẳm, lại có mấy phần phong cách của sân vườn thế gia. Nhìn từ bên này có thể thấy một cái hồ nhỏ gây cho người ta cảm giác chỉ lớn chừng bàn tay, bên trong nuôi một đám cá chép vàng đỏ to béo mập mạp. Lâm Thủ Nhất chỉ có một lá thư nhà, không được mấy chữ. Thiếu niên hít thở sâu một hơi, bỏ lá thư vào lại phong thư, sắc mặt âm trầm rời khỏi phòng nghỉ, năm ngón tay nắm chặt phong thư kia. Ngoại trừ hơn ba mươi chữ viết ngoáy qua loa theo lối chữ hành, trong phong thư còn có một tờ ngân phiếu ba trăm lượng bạc của tiền trang lớn nhất Đại Ly. Thiếu niên bước nhanh trở về phòng nghỉ, nhẹ nhàng đóng cửa lại, đặt phong thư lên bàn, sắc mặt tái xanh, ngực không ngừng nhấp nhô. Trần Bình An chọn một vị trí yên tĩnh ngồi xuống. Thấy Lý Bảo Bình chạy qua, dáng vẻ giống như muốn nói lại thôi, hắn cười bảo: - Nếu có chữ nào không biết thì anh sẽ hỏi em. Lúc này Lý Bảo Bình mới trở lại bàn, bắt đầu mở thư. Ba phong thư nhà, phân biệt đến từ phụ thân, đại ca và nhị ca. Lý Bảo Bình mở từng bức thư ra. Trong thư phụ thân Lý Hồng vẫn hỏi han ân cần giống như trước đây, không hề tỏ ra nghiêm khắc, chỉ dặn dò một ít chuyện vặt vãnh. Chẳng hạn như trời lạnh phải mặc nhiều áo, ở bên ngoài đừng sợ tiêu tiền, mỗi lần đi qua trạm dịch nhất định phải gởi thư cho cha mẹ, đủ thứ chuyện trên đời, năm sáu lá thư chỉ có như vậy. Lý Bảo Bình thở dài, nhìn về Chu Hà ngồi ở đối diện bàn uống trà, ưu sầu nói: - Đến bao giờ cha mẹ mới thôi xem ta là trẻ con. Chu Hà phì cười, tiếp tục uống trà. Lý Bảo Bình xem lướt qua phong thư thứ hai. Đó là thư của đại ca, cháu đích tôn của Lý gia bọn họ, hôm nay đang ở trong nhà nghiên cứu kinh thư, chuẩn bị sang năm tham gia khoa cử. Thư được viết theo lối chữ khải ngay ngắn, giống như tràn đầy phong thái của tiên sinh học giả, mỗi nét bút đều lộ ra sự cẩn thận chặt chẽ. Nội dung trong thư đơn giản vắn tắt, cả tờ đều nói đạo lý thánh hiền, bảo cô không nên thất lễ với hai cha con Chu Hà Chu Lộc, không thể xem họ như con của nô tỳ, còn phải nghe lời Trần Bình An ngõ Nê Bình nhiều hơn, cố gắng chịu khổ nhọc, bớt gây phiền phức cho người khác. Có điều ở phần cuối thư, đại ca từ nhỏ tuân thủ lễ nghi quy củ nói cho cô biết, con cua mà lúc nhỏ cô bắt về từ khe suối, hôm nay được hắn nuôi dưỡng rất tốt, cô cứ yên tâm. Lý Bảo Bình giơ lá thư trong tay, mách với Chu Hà: - Đại ca không thương ta nhất. Chu Hà nhịn cười, nghĩ thầm tiểu thư cô thôi đi, có ai không biết trên dưới Lý gia người thương cô nhất là đại công tử. Một con mọt sách lúc nói đạo lý ngay cả lão tổ tông cũng nhức đầu, lần đầu tiên uống rượu lại là do em gái lén đổi nước trà thành rượu hoa đào nhà mình ủ. Lần đó đại công tử giận đến phát điên, cha mẹ nhìn thấy cũng phải sợ hãi, không dám khuyên nhủ điều gì. Bọn họ chỉ dám đi theo con trai đang tìm em gái hỏi tội, chỉ lo đứa con trai hơi bảo thủ này trong cơn tức giận sẽ ra tay giáo huấn Tiểu Bảo Bình. Không ngờ khi nhìn thấy nha đầu kia đứng ở ngoài cửa viện, hai tay chống nạnh, dáng vẻ coi thường cái chết, hắn lại không nỡ mắng cô bé, chỉ tức giận quay đầu rời đi, bực bội đến mấy ngày. Năm ấy hắn chôn một một vò rượu hoa đào trong sân, đợi em gái hỏi, mới nói là muốn gả cô ra ngoài. Bé gái nghe vậy sợ đến mức lén rời khỏi nhà, một mình dạo chơi cả ngày ở suối Long Tu, thiếu chút nữa còn trốn vào trong núi. Đợi đến khi Lý gia phát giác Lý Bảo Bình biến mất, lão tổ tông giận tím mặt, điều động tất cả mọi người tìm nha đầu ngốc này. Cuối cùng vẫn là vị đại công tử này lấy công chuộc tội, tại một ngôi miếu nhỏ ở bên kia khe suối, tìm được đứa trẻ đáng thương đang ngủ trên ghế gỗ dài, cõng cô về nhà. Tiểu cô nương mặc áo bông đỏ đột nhiên cười nói: - Có điều ta vẫn thích đại ca nhất. Phong thư cuối cùng chứa cả một xấp thư, là nhị công tử Lý gia gởi cho em gái, kể lại trải nghiệm của hắn đến kinh thành Đại Ly, đều là chuyện lạ tận mắt nhìn thấy hoặc nhe đồn. Ngôn từ ưu mỹ giống như bậc thầy thơ ca có thiên phú văn chương. Tại Lý gia vị nhị công tử này còn được hoan nghênh hơn đại ca, anh tuấn nho nhã, nói năng dí dỏm, thích đọc binh thư, từ nhỏ đã thích bảo nha hoàn người hầu trong phủ kết trận “đánh nhau”. Vào dịp lễ tết, nhị công tử thấy người sẽ tiện tay ném cho một túi thêu nhỏ chứa tiền thưởng nặng trịch, nếu người nào có lời chúc hay thì sẽ cho thêm một túi. So với đại công tử bảo thủ trầm lắng, tôi tớ trong phủ thích giao tiếp với nhị công tử tính tình cởi mở hơn. Lý Bảo Bình lật thật nhanh, khi tới lá thư thứ hai đếm ngược từ dưới lên, lại ngẩng đầu nhìn về Chu Lộc: - Nhị ca ta nhắc đến tỷ, nói có lần huynh ấy ngủ đêm trên đỉnh núi, đã tận mắt nhìn thấy tháp lửa Đại Ly đốt lửa thái bình mà trước đó đã nói với tỷ. Đây là tín hiệu mà biên cảnh thông báo bình an với kinh thành, đưa mắt nhìn về phía xa giống như một con rồng lửa dài rất tráng lệ. Chu Lộc bước nhanh đến ngồi xuống bên cạnh bàn, hỏi: - Tiểu thư, còn nói gì nữa không? Lý Bảo Bình dứt khoát đưa hết xấp thư này cho Chu Lộc, dù sao nhị ca cũng chỉ nói đến phong thổ nhân tình, yêu tinh quỷ quái, không có chuyện gì không thể nói với người khác. Chu Lộc cầm lấy thư, hỏi: - Có thể đem về từ từ xem không? Lý Bảo Bình gật đầu nói: - Đừng vứt đi là được. Chu Lộc vui vẻ, mỉm cười rời đi. Dịch thừa Trình Thăng gõ cửa đi vào, bưng tới một chậu trái cây tươi, phía sau còn có một người đàn ông đội nón. Lý Hòe nổi cơn tam bành chạy tới, muốn đẩy tên khốn khiếp có không có lương tâm này ra khỏi phòng. A Lương vừa giằng co với Lý Hòe vừa đặt mông ngồi xuống bên cạnh bàn, nở một nụ cười xấu xa hỏi: - Chu Lộc có chuyện gì thế, mặt mày hớn hở, hình như còn xinh đẹp hơn bình thường mấy phần. Chu Hà sầm mặt không nói gì. Lâm Thủ Nhất lại trở về, ngồi xuống gần Trần Bình An. A Lương ném hồ lô nhỏ màu bạc cho hắn, thiếu niên mở nắp ra uống một hớp rượu. A Lương quay đầu hỏi dịch thừa: - Có phải trấn Hồng Chúc có một vịnh Phu Thủy, cách bến thuyền không quá xa? Sắc mặt dịch thừa kỳ quái, gật đầu nói: - Có. A Lương tấm tắc nói: - Chốn tiêu tiền, chốn tiêu tiền. Trấn Hồng Chúc có một khúc sông như trăng non, ở đó có một loại thuyền hoa tinh xảo đặc biệt, chỉ dài hai ba trượng, bốn phía buông mành trúc tía quý giá hoặc trúc xanh bình thường, mức độ trang trí hào hoa bên trong tùy thuộc vào tài lực của chủ nhân thuyền hoa. Mỗi chiếc thuyền hoa thường có hai đến ba cô gái, có phu nhân xinh đẹp, cũng có thiếu nữ tuổi xuân, ít nhất tinh thông một hai loại trong cầm kỳ thư họa trà rượu. Trên thuyền ngoại trừ một phòng trang nhã ngắm cảnh thì còn có một phòng ngủ, công dụng của nó không nói cũng biết. Những cô gái trên thuyền kia thuộc dòng dõi thấp hèn nhiều đời ở Đại Ly, nghe đồn từng là di dân mất nước của Thần Thủy quốc tiền triều. Hoàng đế Đại Ly đã hạ một thánh chỉ, khiến bọn họ vĩnh viễn không được lên bờ, đời đời kiếp kiếp con con cháu cháu đều phải làm lục bình không rễ. Dân chúng trấn Hồng Chúc nhiều đời tương truyền, vị thổ địa núi Kỳ Đôn cách đó không xa trung nghĩa vô song, đã lén lút che chở tổ tiên của những dòng họ này chạy trốn. Vì vậy đã khiến hoàng đế Đại Ly mặt rồng giận dữ, giáng chức từ sơn thần xuống thành thổ địa, còn hạ lệnh cho hậu duệ của mấy dòng họ kia tự tay đánh vỡ kim thân, chìm vào đáy sông. Dịch thừa cẩn thận tìm từ, chọn lựa một ít điển cố của trấn nhỏ không liên can nhiều lắm, kể cho những khách quý này nghe. Trấn Hồng Chúc không được xem là đầu mối then chốt nam bắc Đại Ly, nhưng cũng là một bến thuyền tấp nập qua lại như con thoi, sản vật các nơi hội tụ. Nó là nơi tập hợp của ba con sông, phân biệt là sông Xung Đạm, sông Tú Hoa và sông Ngọc Dịch. Nhưng chỉ có hai vị giang thần, bờ sông có xây đền giang thần và kim thân tượng thần, đều là thống lĩnh thủy quân có công với Đại Ly chết trong trận thủy chiến kia. Chỉ có sông Xung Đạm không lập giang thần, không xây miếu thờ. Bên bờ sông từng xuất hiện một miếu nương nương hương khói hưng thịnh, cung phụng một nữ nhân cương trực trong trấn vì muốn chứng minh trong sạch nên đã nhảy sông tự vận. Kết quả nhanh chóng bị triều đình Đại Ly phán là miếu xây dựng tràn lan, hôm nay chỉ còn lại một đống đổ nát gạch vỡ ngói vụn, chỉ có rắn chuột chạy lung tung. Nghe được sự tích của thổ địa núi Kỳ Đôn, Lý Hòe nhỏ giọng thổn thức: - Không ngờ một tên bại hoại lại có danh tiếng tốt ở trấn Hồng Chúc như vậy. Sắc mặt Lâm Thủ Nhất lãnh đạm: - Mỗi nhà đều có cái khó của mình. Trần Bình An cất phong thư do Nguyễn Tú gởi tới. Trong thư nói núi Lạc Phách mà hắn mua đã được phong một vị sơn thần mới của Đại Ly, trợ giúp trấn giữ ngọn núi tụ tập linh khí, cùng với đó là núi Phi Vân không được bán và núi Điểm Đăng nằm trong tay cha nàng.